Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung
Tỉnh Quảng Trị đã phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên, khí hậu đất đai, biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển năng lượng trên địa bàn.
Ngày 15/3, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị do Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Giai đoạn 2016-2021, tỉnh có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714 MW, đưa vào vận hành thương mại 671,1 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW cũng đã đưa vào vận hành thương mại.
Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5 MW (chưa bao gồm khoảng 100 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà).
Ngoài việc đóng góp vào ngân sách địa phương, các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh còn góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khoảng 100 km, tạo việc làm cho 681 lao động, trong đó có 558 lao động địa phương, cải thiện sinh kế, an sinh xã hội cho địa phương...
Bên cạnh đó, tỉnh còn 12 dự án điện gió với tổng công suất 454 MW, 1 dự án nhiệt điện than 1.320 MW, 1 dự án điện khí LNG 1.500 MW, 1 dự án Nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp (TBKHH) 340MW và gần 100 MW các dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch, đang triển khai đầu tư.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã chủ động trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, đưa vào Quy hoạch điện VIII 60 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 4.600 MW, 3 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600 MW, 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400 MW, hơn 2.000 MW các dự án thủy điện tích năng và khoảng 4.500 MW các dự án điện khí.
Trong tương lai, với cơ sở vững chắc để khai thác vào các vùng tài nguyên tiềm năng lớn, từ mỏ khí Kèn Bầu, mỏ Báo Vàng và nhiều dư địa khác sẽ tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện chủ trương xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung.
Ngoài ra, Quảng Trị cũng đã chú trọng phát triển nguồn năng lượng tái tạo và đến nay, các dự án này chiếm khoảng 93,6% trong tổng công suất đã phát điện thương mại trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên, khí hậu đất đai, biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển năng lượng trên địa bàn.
Địa phương đã tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, điện gió. Qua đó, nhiều dự án đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh để triển khai thực hiện, trong đó tập trung thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.
UBND tỉnh đã bám sát thực tế, giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư, đồng thời ban hành một số văn bản liên quan đến điện lực và năng lượng để chỉ đạo, điều hành. Các văn bản này cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của địa phương, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý các dự án điện lực và năng lượng.
"Những ý kiến, kiến nghị của UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị về các vấn đề phát triển năng lượng sẽ được tổng hợp, sớm trình đến Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết", ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho hay.