Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 GRDP bình quân 4.200 USD, đạt chuẩn thu nhập trung bình cao của World Bank
Một góc thành phố Thanh Hóa

Như vậy, nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, Thanh Hóa tiệm cận mốc thu nhập trung bình cao vào năm 2025 theo quy chuẩn của World Bank.

GRDP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI MỖI NĂM TĂNG 400 USD ĐẾN NĂM 2025

Quy hoạch nêu rõ, Thanh Hóa cần phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Thanh Hóa xác định tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho Nhân dân; bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển. Bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn quá trình đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên.

Các mục tiêu chính được quy định rõ: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên.

Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 750.000 tỷ đồng trở lên; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 900.000 tỷ đồng trở lên. Giá trị xuất khẩu đến năm 2025 đạt 8 tỷ USD và đạt 15 tỷ USD năm 2030.

 Được biết, năm 2022, GRDP bình quân đầu người của Thanh Hóa đạt 2.925 USD. Như vậy, để đạt được mục tiêu GRDP bình quân đạt 4.200 USD trở lên vào năm 2025, mỗi năm thu nhập bình quân đầu người của Thanh Hóa phải tăng trưởng từ 400 USD trở lên.

CHÌA KHÓA ĐỂ THANH HÓA ĐẠT GRDP ĐẦU NGƯỜI CAO HƠN BÌNH QUÂN CẢ NƯỚC

Theo số liệu của Tổng cục Thống kế, GDP bình quân đầu người cả nước năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Trong khi đó, GRDP bình quân đầu người năm 2022 của Thanh Hóa mới chỉ đạt 2.925 USD, đứng thứ 28 cả nước.

Tại Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Như vậy, Thanh Hóa phải tạo ra những bước phát triển đột phá liên tục, tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước để có thể chạm mốc GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 7.850 USD.

Chìa khóa cho việc duy trì sự tăng trưởng cao và liên tục từ nay đến năm 2030 được thể hiện rõ trong 3 khâu đột phá mà Thanh Hóa xác định là trọng tâm.

Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch và công bằng cho phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có chính trị tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực, trách nhiệm, uy tín, tận tụy gắn với xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các dự án trọng điểm, lan tỏa, các dự án hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh đồng bộ với hạ tầng dữ liệu Quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thứ ba, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.

Đại diện Sở Kế hoạc và Đầu tư Thanh Hóa cho biết để thực hiện thành công những mục tiêu của Quy hoạch trên, Thanh Hóa cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa, các công trình cấp bách. Khai thác có hiệu quả các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); tổ chức thực hiện tốt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện (DDCI).

Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và các trang thông tin điện tử của các sở, ban ngành cấp tỉnh.

Theo bảng phân nhóm năm 2020 của WB, các quốc gia được phân thành 4 nhóm tương ứng với mức thu nhập bình quân đầu người.

Cụ thể, nhóm nền kinh tế thu nhập thấp với thu nhập bình quân đầu người ở dưới mức 1.035 USD; nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp với mức thu nhập bình quân đầu người từ 1.036 USD - 4.045 USD; nhóm nền kinh tế thu nhập trung bình cao với mức thu nhập bình quân đầu người từ 4.046 USD - 12.535 USD; nhóm nền kinh tế thu nhập cao với mức thu nhập bình quân đầu người trên 12.536 USD.

Thiên Anh
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc