Dự án 19 tỷ USD của Petrovietnam: Đánh giá cụ thể tính khả thi
Petrovietnam được giao phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan để đánh giá cụ thể về tính khả thi, hiệu quả của Dự án tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn với quy mô 19 tỷ USD.
Liên quan đến báo cáo của Bộ Công thương hồi tháng 12/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cơ hội đầu tư Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến chỉ đạo.
Theo đó, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan được giao nghiên cứu các nội dung liên quan đến Dự án trong quá trình hoàn thiện, trình phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch tổng thể về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu, khí đốt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan để đánh giá cụ thể về tính khả thi, hiệu quả của Dự án theo quy định của pháp luật.
Trước đó trong báo cáo của mình, Bộ Công thương cũng cho rằng, đề xuất của Petrovietnam về việc nghiên cứu đầu tư Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn với quy mô 19 tỷ USD là có cơ sở.
Theo Bộ Công thương, tổng lượng xăng dầu sản xuất trong nước hiện khoảng 14 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu hiện tại trong nước. Đối với các sản phẩm hóa dầu là PP và PE, phần trong nước sản xuất được khoảng 2,55 triệu tấn, cũng mới đáp ứng được trên 50% nhu cầu.
Lượng xăng dầu và sản phẩm hóa dầu thiếu hụt và phải đáp ứng bằng nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng đến năm 2045, với 12 triệu tấn xăng dầu/năm và 3,5 triệu tấn sản phẩm hoá dầu/năm.
Tới cuối năm 2021, sức chứa của các kho xăng dầu trên cả nước là 6,4 triệu m3 và đều là kho thương mại do các doanh nghiệp quản lý. Các kho này về cơ bản chỉ đáp ứng được nhu cầu kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.
Lượng sức chứa cho Nhà nước thuê để bảo quản hàng dự trữ quốc gia không nhiều, chỉ chiếm từ 5-10%. Ngoài ra, các dự án kho dự trữ dầu thô quốc gia tại Dung Quất, Quảng Ngãi (1 triệu m3), tại Nghi Sơn, Thanh Hóa (1 triệu m3), hay tại Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu (1 triệu m3) đều chưa được triển khai.
Bởi vậy, theo Bộ Công thương, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, nguy cơ đứt gãy nguồn cung năng lượng, giá năng lượng tăng cao, thì việc đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có nguồn cung xăng dầu, nâng năng lực dự trữ dầu thô và xăng dầu quốc gia là hết sức cần thiết.
Đồng thời, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Petrovietnam tiếp tục triển khai nghiên cứu dự án, bổ sung các nội dung được các bộ, ngành góp ý kiến.
Theo Petrovietnam, dự kiến Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu sẽ sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu dầu thô, khí và condensate trong nước. Nguyên liệu dầu thô thiếu hụt sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, Mỹ, tùy vào quy mô công suất tổ hợp. Tổ hợp được chia làm 2 phần là Dự án Lọc hóa dầu và Dự án Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu.
Petrovietnam dự kiến thời điểm đủ điều kiện hồ sơ để đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là tháng 1/2023. Tiếp đó là lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 6-12/2023 và tới quý I/2024 sẽ có phê duyệt quyết định đầu tư. Sau đó, sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu EPC và xây dựng trong thời gian từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2027.
Khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư của cả Tổ hợp trong giai đoạn I từ 12,5 - 13,5 tỷ USD và giai đoạn II là 4,5 - 4,8 tỷ USD.