Doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đứng đầu ASEAN để mở rộng kinh doanh
60% doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Ấn Độ và Bangladesh.
Đây là kết quả từ cuộc Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022, do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố tại Việt Nam chiều 13/2.
Khảo sát được thực hiện từ ngày 22/8/2022 đến 21/9/2022 đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia/khu vực. Giai đoạn thực hiện khảo sát cũng là lúc nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, khi Trung Quốc đóng cửa còn thị trường châu Âu rơi vào suy thoái.
“Hiện tại, mọi chuyện đã tốt lên nhưng kết quả không có quá nhiều chênh lệch so với thời điểm khảo sát”, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Jetro Hà Nội, chia sẻ.
Ông Nakajima Takeo cho biết cách đây vài năm, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản còn đắn đo khi lựa chọn đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát trong năm 2022, có tới 60% doanh nghiệp Nhật Bản dự định sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam trong tương lai. Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN, cao hơn nhiều các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (40,3%), Indonesia (47,8%) hay Myanmar (11,7%).
Thậm chí tại Myanmar, có tới 30,9 % doanh nghiệp Nhật Bản dự định thu hẹp, rút lui hoặc chuyển hoạt động sang quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ là 1,1% (giảm 1,1% so với năm trước).
Theo đánh giá từ phía doanh nghiệp Nhật Bản, lợi thế hàng đầu của Việt Nam đến từ quy mô thị trường hiện tại cũng như tính tăng trưởng của thị trường trong tương lai. Thị trường ở đây, theo ông Nakajima Takeo, không chỉ được hiểu là thị trường người tiêu dùng mà còn gồm thị trường doanh nghiệp và thị trường Chính phủ.
“Tổng thể thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt”, đại diện Jetro đánh giá.
Tuy vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phản ánh môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn tồn tại một số rủi ro liên quan đến tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính; hệ thống thuế, thủ tục thuế; thực trạng hoàn thiện hệ thống pháp luật; thủ tục visa, cấp phép lao động,…
Về kết quả kinh doanh, trong năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là 59,5% (tăng 5,2% so với năm trước). Tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 20,8% (giảm 7,8%).
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh 2023, số doanh nghiệp trả lời “cải thiện” là 53,6%, với nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nền kinh tế đã phục hồi sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong khi đó, số doanh nghiệp trả lời “suy giảm” là 6,9%. Lý do đến từ chi phí nguyên vật liệu, logistic, phí nhân công,…tăng. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là ảnh hưởng của biến động tỷ giá.
“Trong khu vực ASEAN nói chung, tất cả các quốc gia gặp đều gặp vấn đề chi phí gia tăng. Như vậy, chi phí thấp không còn là lợi thế nữa”, đại diện Jetro nhấn mạnh.
Để ứng phó với việc chi phí tăng, doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ thay đổi nhà cung cấp hay mua nguyên vật liệu thay thế mà nhiều doanh nghiệp đã xem xét việc tăng cường trang thiết bị, áp dụng số hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa hầu như đi ngang ở mức 37% và tỷ lệ thu mua từ doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ ở mức rất thấp là 15%. Điều này cho thấy phát triển ngành công nghệ hỗ trợ vẫn đang là vấn đề đối với Việt Nam.