“Đường đua” FDI sôi động trở lại
Chưa đủ “nóng” như giai đoạn trước Covid-19, song các động thái gần đây của các nhà đầu tư nước ngoài đang hứa hẹn sự sôi động trở lại của “đường đua” thu hút FDI tại Việt Nam.
Nhộn nhịp kế hoạch mới
Sau nhiều cam kết được các tập đoàn lớn đưa ra trong các cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại châu Âu, các động thái gần đây của các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, rất có thể, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam sẽ sôi động trở lại trong thời gian tới.
Mới đây nhất, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã quyết định rót 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần tại The CrownX, đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng WinMart và WinMart+, tiếp tục khẳng định mối quan tâm và tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã mua lại toàn bộ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan, để mở rộng chuỗi nhà máy do Tập đoàn sở hữu tại Việt Nam lên con số 22 và chính thức trở thành nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam.
Có 3 lý do được ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á, lý giải vì sao De Heus liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với con số cho đến nay vào khoảng 4.000 tỷ đồng. Đó là, Việt Nam là một thị trường lớn ở khu vực Đông Nam Á và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do đã mở ra cơ hội lớn để xuất khẩu sản phẩm ra bên ngoài. “Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong nhóm các nước đang phát triển, với sức tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng trưởng tốt qua các năm”, ông Gabor Fluit nói.
Trên thực tế, đó cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư, bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp, vẫn ra quyết định đầu tư tại Việt Nam. Cách đây ít ngày, Tập đoàn Kurz (Đức) đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai xây dựng nhà máy chuyên sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao tại Khu công nghiệp (KCN) Becamex VSIP Bình Định. Dự áncó vốn đầu tư 40 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2023. Đây là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào KCN này.
Đón nhận dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã hồ hởi nói rằng, dù Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Tập đoàn Kurz vẫn quyết định đầu tư vào tỉnh.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng mừng vui không kém, sau khi ký thỏa thuận với Tập đoàn Amkor. Amkor đã quyết định đầu tư dự án 1,6 tỷ USD trong lĩnh vực bán dẫn tại đây.
Còn Quảng Trị vừa đồng ý cho Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư SSF, CTCP Phát triển Sunshine Homes (SSH) và Truth Assets Management (Singapore) khảo sát và đầu tư 3 dự án tại vùng biển Cửa Việt.
Quảng Trị cũng vừa chấp thuận về chủ trương để Công ty TNHH Sangshin Central Việt Nam (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng nhà máy ở tỉnh này.
Trong khi đó, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch), trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng hồi đầu tháng 11/2021, đã đề xuất đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi Hải Phòng, với tổng công suất 3.900 MW, tổng mức đầu tư 11,9 - 13,6 tỷ USD.
Dù chưa hẳn các kế hoạch này sẽ sớm được hiện thực hóa, song sự “nhộn nhịp” của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây đã làm dấy lên những kỳ vọng mới về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới.
“Đường đua” sôi động trở lại
“Đầu tư trực tiếp toàn cầu đang sôi động trở lại”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh như vậy trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chỉ số FDI - theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài - đứng ở mức 723 điểm trong tháng 8, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Các tín hiệu về kế hoạch mở rộng đầu tư trong tương lai tuy giảm nhẹ trong tháng 8, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình năm 2020.
Để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, cần chủ động tạo mặt bằng sạch, nguồn cung lao động, hạ tầng kết nối, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các Dự án đầu tư. |
Không những vậy, tâm lý lạc quan về triển vọng đầu tư trên toàn cầu cũng ngày càng tăng. Bất chấp những thách thức của bối cảnh đầu tư “hậu Covid-19”, cuộc khảo sát của các quan chức điều hành và cấp cao từ 100 cơ quan xúc tiến đầu tư của hơn 70 quốc gia cho thấy, 53% người được hỏi kỳ vọng dòng vốn FDI vào lãnh thổ của họ tăng trong năm 2021; chỉ có 18% dự đoán FDI trong nước giảm và 4% dự báo giảm đáng kể.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng qua, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm vẫn tăng 15,8% so với cùng kỳ. “Nhu cầu mở rộng sản xuất tăng cao phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế trong ngắn hạn”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Trong khi đó, trong một báo cáo vừa công bố, Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit của Anh đã bày tỏ sự lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam. Các lý do được IHS Markit đưa ra là Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ giá nhân công tương đối thấp; Việt Nam có lực lượng lao động tương đối lớn, có trình độ tốt so với nhiều đối thủ cạnh tranh...
Ngoài ra, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn khi các công ty cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước trong khu vực châu Á; nhiều công ty đa quốc gia đã và đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất. Lý do nữa là Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng nở rộ.
Nhìn từ góc độ này, rõ ràng, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội mới đây cũng đã nhấn mạnh những giải pháp đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Ngoài các vấn đề về thể chế, chính sách, theo Thủ tướng, có 2 yếu tố để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Đó là chính trị ổn định và nguồn nhân lực.
Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, vừa được ban hành, cũng chỉ rõ, để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, cần chủ động tạo mặt bằng sạch, nguồn cung lao động, hạ tầng kết nối, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án đầu tư, nhất là các dự án FDI lớn, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, trực tuyến.