EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện
Theo kiến nghị của EVN, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.
Điển hình, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá khí “ăn theo” giá dầu, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay, dẫn đến EVN đang mất cân đối tài chính rất lớn.
Vấn đề mất cân đối tài chính như nói trên cũng dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động và có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện. Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp, việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn.
Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Chính vì vậy, để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động (tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu).
Mặt khác, là doanh nghiệp đóng vai trò chính trong hoạt động cung cấp điện, EVN kiến nghị Chính phủ xem xem giao EVN và các tổng công ty phát điện triển khai các dự án nguồn điện quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng vì an ninh quốc gia thuộc danh mục ưu tiên của nhà nước được sử dụng vốn vay ODA và cho EVN vay lại không chịu rủi ro tín dụng.
Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII để các nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án nguồn, lưới điện đảm bảo việc cung ứng điện trong những năm tới.
Tại hội nghị, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban đánh giá cao nỗ lực của EVN trong thời gian qua. Là doanh nghiệp nhà nước, cung cấp sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế, xã hội, EVN đã hi sinh lợi ích để đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Việc EVN đề xuất áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện trên thực tế là không có gì mới và đã từng có quy định từ rất lâu.
Cụ thể, theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg, từ ngày 1/6/2011, giá bán điện sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Theo đó, giá bán điện bình quân được xác định theo nguyên tắc tính bình quân cho 1kWh điện thương phẩm, bao gồm 4 thành phần: giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành-quản lý dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Các yếu tố này có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm cho phù hợp với thị trường.
Thực tế, giá bán điện phụ thuộc chủ yếu vào giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát. Như vậy, việc công khai, minh bạch các yếu tố trên đã được thể hiện rõ, như: giá nhiên liệu và tỉ giá ngoại tệ được tính toán theo giá niêm yết tại thời điểm tính toán. Việc huy động các nhà máy để phát điện lên hệ thống sẽ thực hiện theo nguyên tắc đơn vị nào có giá chào thấp hơn sẽ được huy động trước. Các nhà máy điện nhỏ đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN sẽ vẫn phát điện theo hợp đồng đã ký.
Khi đã có thị trường chính thức sẽ có những quy định công khai để các nhà sản xuất đều có thể tham gia chào giá.
Cơ cấu sản lượng điện phát phải căn cứ vào kế hoạch phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt. Hàng năm, EVN phải báo cáo Bộ Công Thương, Bộ tài chính giá thành sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và giá bán điện của năm tài chính.
Căn cứ vào số liệu quyết toán, kiểm toán và kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật của EVN, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định việc điều chỉnh giá bán điện. Quỹ bình ổn giá điện sẽ được hình thành dưới sự quản lý của Bộ Tài Chính và đước ử dụng vào mục đích bình ổn giá bán điện, giảm thiểu tác động bất lợi của việc điều chỉnh giá điện đến đời sống sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.Đây là quyết định được mong đợi từ lâu nhằm đưa giá điện ngày càng công khai và minh bạch, chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh vào tháng 7 tới.
Dẫu vậy, để giá điện thực sự vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn không ít khó khăn.
Đơn cử như lần tăng giá điện gần đây nhất là tháng 3/2019 và hiện tại giá bán lẻ điện bình quân vẫn đứng yên, bất chấp lương cơ bản đã thay đổi, tỷ giá ngoại tệ cũng đã tăng mạnh so với năm 2019 và đặc biệt là nhiều chi phí nhiên liệu đầu tăng đột biến do tác động của khủng hoảng nguồn cung năng lượng trên thế giới.
- Năm 2019, hoạt động sản xuất - kinh doanh điện của EVN lãi 523,37 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 0,35%. - Năm 2020, EVN ghi nhận khoản lỗ 1.307 tỷ đồng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, dù tính chung cả các hoạt động khác vẫn có lãi hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là con số được Bộ Công thương công bố sau khi đoàn kiểm tra (ngoài Bộ Công thương, còn có thêm Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Người tiêu dùng…) tiến hành kiểm tra thực tế sau khi đã có Báo cáo tài chính được kiểm toán. - Năm 2021, Bộ Công thương chưa công bố chính thức, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh điện của EVN vẫn tiếp tục lỗ, dù tổng thể vẫn có lãi do các hoạt động tài chính khác bù đắp. - Năm 2022, thách thức tiếp tục được cộng thêm khi giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới biến động mạnh, khiến chi phí sản xuất điện và chi phí mua điện của EVN tăng rất cao. - Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công thương phê duyệt từ đầu năm, thì kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ tới 64.805 tỷ đồng. Thực tế, 6 tháng đầu năm, EVN đã lỗ sau thuế 16.586 tỷ đồng. Sau hàng loạt giải pháp như tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ, công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020, tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện, EVN vẫn dự kiến lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng trong năm 2022. |