Hà Nội khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án quy mô hơn 56 nghìn tỷ đồng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội nhằm kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (dự án thành phần 3) với tổng chiều dài 112,8km (Hà Nội: 58,2km; Hưng Yên: 19,3km; Bắc Ninh: 25,6km và tuyến nối 9,7km). Mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo 4 làn xe (mặt cắt ngang 17m, bề rộng cầu 17,5m) và 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng (nút giao cao tốc Hà Nội - Lào Cai; nút giao trục Mê Linh; nút giao trục đại lộ Thăng Long; nút giao QL6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nút giao QL38; nút giao cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh) cùng với các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.

Trên tuyến có các cầu vượt sông chính, bao gồm: Cầu Hồng Hà (cách cầu Thăng Long về thượng lưu 11,5km) tổng chiều dài khoảng 5.015m; cầu Mễ Sở (cách cầu Thanh Trì về hạ lưu khoảng 16km) tổng chiều dài khoảng 2.647m; cầu Hoài Thượng (cách cầu Đuống về hạ lưu 32km) tổng chiều dài khoảng 990m.

Theo thông tin công bố khảo sát, loại hợp đồng dự án (dự kiến) là hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khoảng 56.536 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước 27.089 tỷ đồng, chiếm 48% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3; vốn nhà đầu tư thu xếp 29.447 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án như sau: Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoàn thành trong tháng 1/2023; lựa chọn nhà đầu tư hoàn thành tháng 6/2023; khởi công xây dựng tháng 6/2023; cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Thời gian dự kiến hoàn vốn là 21 năm.

Hà Nội khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án quy mô hơn 56 nghìn tỷ đồng - Ảnh 1

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 được Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/6/2022. Triển khai dự án theo Nghị Quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, căn cứ kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, trên cơ sở Luật PPP ngày 18/6/2020 và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư.

Về nội dung cần khảo sát ý kiến nhà đầu tư, bên cho vay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ khảo sát về khả năng triển khai dự án tương tự (về lĩnh vực, quy mô…). Ngoài ra, sẽ khảo sát về một số yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật thực hiện dự ánđánh giá của nhà đầu tư, bên cho vay về tính hấp dẫn, khả thi của dự án; mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu kỳ vọng của nhà đầu tư; nguồn vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng Dự án thành phần 3 nêu trên;…

Nhà đầu tư quan tâm cung cấp các thông tin bao gồm: Hồ sơ về tư cách pháp lý; năng lực, kinh nghiệm tương ứng với thông tin dự án nêu trên; phản hồi của nhà đầu tư đối với các nội dung khảo sát ý kiến của cơ quan có thẩm quyền; thông tin liên lạc của nhà đầu tư.

Thời điểm hết hạn đăng ký đảm bảo tối thiểu là 30 ngày từ ngày đăng tải thông tin khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Anh Nhi
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc