Hướng trọng tâm vào thu hút các dự án đầu tư có chất lượng
Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi

Thưa bà, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015- 2020), tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả nổi bật nào trong thu hút đầu tư, phát triển DN?

Về đầu tư trong nước, trong giai đoạn 2016 - 10/2020 tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 524 dự án với tổng vốn đăng ký 173.683 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt 60.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã thu hồi 66 dự án có tổng vốn 14.176 tỷ đồng. Lũy kế đến nay có 782 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 320.401 tỷ đồng; vốn thực hiện ước đạt 183.000 tỷ đồng (57,1%); có 337 dự án đã đi vào hoạt động.

Về thu hút vốn FDI, 5 năm qua tỉnh đã cấp phép cho 41 dự án với tổng vốn đăng ký 895,4 triệu USD, vốn thực hiện đạt khoảng 750 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thu hồi 11 dự án có tổng vốn 3.146 triệu USD, trong đó có dự án Nhà máy thép Guang Lian 3.000 triệu USD triển khai không đúng tiến độ quy định. Lũy kế đến nay có 65 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 1.953,5 triệu USD, vốn thực hiện lũy kế đạt 1.116 triệu USD (đạt 58,18% vốn đăng ký). Có 35/65 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai, 6 dự án đang tạm dừng.

Ngoài ra, về đăng ký thành lập DN, giai đoạn từ năm 2016 - 10/2020 có 3.367 hồ sơ đăng ký thành lập mới, tăng 4% so với cùng kỳ giai đoạn trước; tổng vốn đăng ký 41.830 tỷ đồng. Có 602 DN, chi nhánh hoạt động trở lại; 848 hồ sơ đăng ký tạm ngừng hoạt động; 752 hồ sơ giải thể DN, chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tăng 9% so với cùng kỳ. Luỹ kế có 6.711/8.964 DN được thành lập đang hoạt động.

Trong giai đoạn vừa qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chỉ số PCI của tỉnh đã có những chuyển biến đáng ghi nhận nào, thưa bà?

PCI Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 đã có sự cải thiện tích cực về điểm số, trong đó năm 2019 đạt mức điểm cao nhất kể từ năm 2006 đến nay với tổng điểm 64,33. Về thứ hạng có sự tăng giảm giữa các năm, cụ thể năm 2016 xếp hạng 26, năm 2017 tăng lên xếp hạng 25, tuy nhiên hai năm 2018-2019 giảm đáng kể đều xếp hạng 41 và đến năm 2020 tăng lên 5 bậc, xếp hạng 36 trên bảng xếp hạng PCI của cả nước. Có thể thấy sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP (trước đây là Nghị quyết 19) của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã tạo ra sự thay đổi tích cực trên thực tế, thể hiện rõ từ đánh giá của cộng đồng DN.

Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh quyết tâm bứt phá mạnh mẽ về điểm số và thứ hạng PCI để được xếp vào nhóm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế Tốt của cả nước. Nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, phát triển DN, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Quảng Ngãi tập trung cải thiện điểm các chỉ số thành phần, tăng dần vị trí xếp hạng và điểm số PCI của tỉnh, giữ vững vị trí trong năm 2021 nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành Khá, phấn đấu điểm số PCI đạt trên 64 điểm, nâng vị trí xếp hạng trong top 20 - 30/63 tỉnh, thành phố. Định hướng đến năm 2025, phấn đấu tổng điểm PCI đạt từ 67 điểm trở lên và thứ hạng nằm trong top 10 - 20/63 tỉnh, thành phố; nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành Tốt.

Bước vào nhiệm kỳ mới 2021 - 2025, theo bà đâu là những thời cơ, thuận lợi để Quảng Ngãi tiếp tục vươn lên tạo lập dấu ấn riêng trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH?

Những thành tựu Quảng Ngãi đã nỗ lực đạt được trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2020 là điều kiện, tiền đề, động lực cho công cuộc phát triển KT - XH, thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới, nhất là giai đoạn 2021-2025. Thêm vào đó, việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và triển khai các công trình, dự án trọng điểm, quy mô lớn như: Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy điện khí từ mỏ cá Voi Xanh, Bến cảng tổng hợp - Container Hòa Phát Dung Quất, Dự án Thép Hòa Phát mở rộng, các dự án đề xuất đầu tư của Vinpearl... sẽ tạo động lực lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh cũng như đẩy mạnh mối liên kết liên tỉnh, liên vùng và quốc tế, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Ngoài ra, Quảng Ngãi thu hút hơn 560 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 200.000 tỷ đồng (tương đương 8,4 tỷ USD) trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có một số dự án đã đi vào hoạt động như Thép Hòa Phát, các dự án trong KCN VSIP; việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa các dự án này vào hoạt động cũng sẽ góp phần hình thành các sản phẩm mới, tăng quy mô nền kinh tế cũng như giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.

Có thể thấy "giao thông đi trước một bước" là tiền đề cho thu hút đầu tư, phát triển KT – XH. Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối giữa Quảng Ngãi và các địa phương trong và ngoài nước ngày càng thuận lợi. Cụ thể về đường bộ, có hệ thống giao thông huyết mạch Bắc Nam (QL 1A), đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng - Huế; QL 24 kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia... Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển Dung Quất ngày một phát triển, ngoài hệ thống cảng tổng hợp của Khu kinh tế (KKT) Dung Quất còn có các cảng chuyên dụng của Doosan, Hòa Phát, Hào Hưng và trong thời gian tới, Hòa Phát đầu tư hệ thống cảng tổng hợp - container sẽ góp phần phát huy tối đa lợi thế hệ thống cảng nước sâu của tỉnh. Về đường hàng không, với định hướng phát triển sân bay Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế sẽ là một trong những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ khu vực KKT mở Chu Lai, KKT Dung Quất mà còn góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển hệ thống các đô thị, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và hình thành các liên kết kinh tế, đặc biệt là liên kết trong đầu tư phát triển.

Hệ thống hạ tầng trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã và đang được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại dần được hoàn thiện; đặc biệt là tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã đưa vào vận hành và tuyến đường Trì Bình - cảng Dung Quất kết nối đường cao tốc và QL 1A đến cảng Dung Quất hoàn thành trong năm 2019; hệ thống cảng biển nước sâu đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại có thể đáp ứng cho các tàu có tải trọng đến 200.000DWT. Đây là một lợi thế so sánh mang tính cốt lõi tạo lợi thế cạnh tranh quan trọng cho Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư, đồng thời đáp ứng được nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong và ngoài KKT.

Một thuận lợi nữa là việc thu hút được các dự án đầu tư hạ tầng KCN như dự án KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP và Khu Đô thị - Công nghiệp Dung Quất sẽ tiếp tục tạo điều kiện thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, đặc biệt là các dự án FDI đầu tư vào KKT Dung Quất, mở rộng hơn cơ hội thu hút đầu tư, tiếp cận nhiều hơn với khoa học công nghệ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế trên địa bàn. Đặc biệt việc phát huy lợi thế của KKT Dung Quất, Khu VSIP sẽ tạo động lực lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh cũng như đẩy mạnh mối liên kết liên tỉnh, liên vùng và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Ngãi trong kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư.

Nắm bắt những thời cơ, thuận lợi trên, trong giai đoạn 2021 – 2025, thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung vào những mục tiêu, định hướng lớn cũng như những ngành nghề, lĩnh vực trọng tâm nào, thưa bà?

Trong giai đoạn này, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Cải cách thủ tục hành chính; cải thiện các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, gia nhập thị trường và đào tạo lao động; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để tạo điều kiện triển khai các dự án; tiếp tục nghiên cứu đổi mới và thực hiện có hiệu quả mô hình "Cà phê doanh nhân và Hỗ trợ khởi nghiệp"; tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN; kết nối ngân hàng; triển khai kế hoạch hỗ trợ DNNVV; chú trọng các lớp khởi sự, ươm mầm DN và các lớp chuyên sâu.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ cụ thể, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn; tăng cường xúc tiến đầu tư "tại chỗ". Đồng thời, tranh thủ các điều kiện thuận lợi từ bối cảnh tình hình thế giới để đẩy mạnh thu hút vốn FDI. Mục tiêu của Quảng Ngãi là thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, ưu tiên đối với lĩnh vực công nghiệp, logistics, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp "xanh", hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, chú trọng thu hút dự án thuộc lĩnh vực sản xuất tư liệu sản xuất thay thế sản phẩm nhập khẩu nhằm tạo mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, đồng thời tạo nền tảng cho phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh.

Với khát vọng vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền Trung vào năm 2025, Quảng Ngãi luôn rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, cùng chung vai sát cánh xây dựng quê hương núi Ấn, sông Trà ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Vietnam Business Forum
Link bài viết gốc