Mang vốn FDI trở lại Việt Nam
Việc khôi phục các chính sách thị thực như trước Covid-19 sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Mở cửa đón nhà đầu tư
Việt Nam đã chính thức khôi phục chính sách thị thực như trước dịch Covid-19, nhằm mở cửa đón du khách quốc tế quay trở lại sau ngày 15/3. Nhưng không chỉ có hiệu ứng tích cực với du lịch, việc nới lỏng hoàn toàn các biện pháp nhập cảnh sau 2 năm “đóng then, cài chốt” còn được cho là sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Việc quay trở lại các quy định về thị thực trước đại dịch là điều cần thiết để mang dòng vốn đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam và để đảm bảo rằng, hàng chục nghìn doanh nghiệp quốc tế đã có mặt tại Việt Nam có thể tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới”, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đã nói như vậy.
Đó là một thực tế. Bởi hai năm qua, dù dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chảy vào Việt Nam, song ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài luôn nhắc đến những cản trở, khó khăn đến từ các biện pháp phòng dịch, cũng như các biện pháp hạn chế nhập cảnh mà Việt Nam buộc phải thực hiện khi dịch Covid-19 bùng phát. Sự sụt giảm của việc đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần (M&A) có nguyên nhân rất lớn từ việc các nhà đầu tư không thể tới Việt Nam tìm hiểu, đàm phán và ký kết các thương vụ mua - bán.
Không ít kế hoạch đầu tư đã bị trì hoãn, không ít dự án cũng đã bị chậm trễ trong triển khai chỉ vì những khó khăn trong chính sách nhập cảnh cho chuyên gia và khách nước ngoài. Nhưng nay thì câu chuyện sẽ khác, nhiều dự án sẽ được thúc đẩy, và một trong số đó có thể là Dự án sản xuất chất bán dẫn của Amkor tại Bắc Ninh.
Giữa năm ngoái, Amkor đã có thư gửi các cơ quan chức năng Việt Nam đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia cấp cao của Công ty tới Việt Nam làm việc. Ban đầu, kế hoạch là đoàn sẽ tới vào cuối tháng Tám, song cuối cùng, do vướng các thủ tục nhập cảnh, nên phải tới đầu tháng 11/2021, các lãnh đạo của Amkor mới tới Việt Nam để ký kết thỏa thuận phát triển Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại KCN Yên Phong II, với quy mô 1,6 tỷ USD.
Quyết tâm đầu tư của Amkor là rất lớn, lại thêm lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tạo thuận lợi, nên trung tuần tháng 12/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã trao Thỏa thuận phát triển Dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giai đoạn I. Theo đó, giai đoạn I của Dự án có vốn đầu tư 520 triệu USD, dự kiến giải ngân trong vòng 5 năm. Phần vốn đầu tư còn lại sẽ được đầu tư đến năm 2035.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án. Đây là cơ sở quan trọng để Amkor nhanh chóng triển khai Dự án tại Bắc Ninh. Lại thêm việc Chính phủ Việt Nam vừa quyết định “mở cửa”, thì cơ hội để Dự án sớm triển khai và có thể sản xuất hàng loạt từ năm 2023 càng lớn hơn nữa.
“Nhiều nhà đầu tư Đài Loan cũng đang chờ đợi các chính sách mở cửa, không còn hạn chế nhập cảnh của Chính phủ Việt Nam để ra các quyết định đầu tư mới”, ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã nhiều lần khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư điều này.
Dòng vốn đang trở lại
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn không ngừng chảy, dù có chậm hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19. Nhưng chắc chắn, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ tích cực.
“Sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới đến với Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Và đúng là như vậy. Không chỉ là các dự án của Intel, Amkor, LEGO... như được nhắc tới gần đây, các động thái gần đây cho thấy, nhiều dự án lớn đang tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Đầu năm nay, Samsung đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD vào Nhà máy Samsung Điện cơ (SEMV), qua đó nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên trên 19 tỷ USD, tăng gấp hơn 28 lần so với cam kết ban đầu (670 triệu USD) hồi năm 2008, tiếp tục khẳng định vị thế nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Quan trọng hơn, theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, trong kế hoạch phát triển của mình, Samsung sẽ từng bước đưa Việt Nam không chỉ trở thành cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu, mà còn là trung tâm chiến lược về R&D của Tập đoàn.
Trung tâm R&D mới của Samsung sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, hoàn thiện bức tranh đầu tư chiến lược của Samsung tại Việt Nam
Hiện nay, Samsung đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm R&D mới tại Hà Nội, với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực R&D trong trung và dài hạn. Dự kiến, Trung tâm mới sẽ khánh thành vào cuối năm 2022, đúng như cam kết của Samsung với Chính phủ Việt Nam.
Khi Trung tâm R&D mới đi vào hoạt động, và tập trung nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới của thế giới như AI, Big Data, IoT…, bức tranh đầu tư chiến lược của Samsung tại Việt Nam sẽ hoàn thành.
Mới đây, Samsung đã tổ chức kỳ tuyển dụng GSAT 2022, sau khi buộc phải tạm dừng vào năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Những ứng viên ưu tú có kết quả tốt trong kỳ thi GSAT này sẽ được lựa chọn là nhân viên chính thức của Samsung Việt Nam và làm việc các cơ sở sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, và cả Trung tâm R&D điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC).
Việc tiếp tục tuyển dụng lớn nhân lực trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay cũng chính là lời khẳng định cho cam kết đầu tư lâu dài và bền vững tại Việt Nam. “Samsung Việt Nam sẽ liên tục tuyển dụng những nhân lực tài năng nhằm đóng góp sự phát triển của công ty nói riêng và sự phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung”, ông Choi Joo Ho nói.
Ngoài Samsung, hồi đầu năm nay, sau khi tăng vốn thêm 400 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư của nhà máy ở Nghệ An lên 500 triệu USD, Goertek cũng đã tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm hơn 300 triệu USD cho Nhà máy Chế biến thiết bị điện tử, các sản phẩm âm thanh đa phương tiện ở Bắc Ninh. Thêm khoản vốn đầu tư này, dự án của Goertek tại Bắc Ninh có vốn đầu tư 565,7 triệu USD.
Goertek gần đây đã liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đây là nhà sản xuất thứ cấp cho nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới, trong đó có Apple. Goertek chính là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm Airpods cho Apple tại Việt Nam và đóng góp không nhỏ cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Thông tin cho biết, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Goertek Vina ở Bắc Ninh vẫn đạt doanh thu 3,28 tỷ USD, tăng 20,4% so với năm 2020. Nhu cầu thị trường tăng cao chính là lý do khiến Goertek tiếp tục tăng vốn đầu tư tại Bắc Ninh, cũng như tại Nghệ An.
Trong khi đó, trong cuộc làm việc mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, ông Michael Michalak, Phó chủ tịch cấp cao Hội đồng khẳng định, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Đó cũng là lý do để Ford Việt Nam dự kiến tăng công suất sản xuất và tuyển thêm lao động trong năm nay. Trong khi đó, Tập đoàn ExxonMobil vẫn đang tiếp tục theo đuổi các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Hồi tháng 2, nhân chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp hai nước cũng đã ký kết và trao các văn kiện hợp tác với trị giá lên tới gần 11 tỷ USD. Trong số này, đáng chú ý có các thỏa thuận hợp tác cua Tập đoàn SOVICO với các đối tác như Keppel Land, Keppel Energy Ventures..., với quy mô lên tới 5,2 tỷ USD. Hay thỏa thuận về việc đầu tư Dự án Tổ hợp công nghiệp 500 ha và đô thị 200 ha, với vốn đầu tư dự kiến 2,5 tỷ USD, của Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài gòn (Saigontel), Công ty VinaCapital và Công ty Aurous (Singapore)...
Đó là minh chứng cho sự trở lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.