Nhà máy sáng đèn, nhưng doanh nghiệp chưa thể thở phào
Xưởng sản xuất Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Khu công nghiệp Vân Trung)

Sản xuất trở lại

Cả 3 nhà máy của Công ty cổ phần May Đáp Cầu nằm giữa tâm dịch Bắc Ninh đã quay trở lại sản xuất sau một thời gian phải tạm đóng cửa do đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối tháng 4 là tin vui nhất với lãnh đạo và người lao động của doanh nghiệp này.

Hơn 1 tháng trước, mệt mỏi vì sản xuất trong giãn cách, thiếu lao động trầm trọng, hiệu quả không cao do tỷ lệ máy hoạt động thấp, doanh nghiệp này buộc phải dừng sản xuất từ ngày 18/5 đối với 2 nhà máy ở Thị Cầu, Đáp Cầu và tới ngày 2/6 dừng tiếp nhà máy ở Yên Phong.

Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đưa 30.000 công nhân trở lại làm việc vào cuối tháng 7/2021 và cuối năm đạt 120.000 người tại 4 khu công nghiệp.

Tạm đóng cửa nhà máy cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp rơi vào cảnh “sống dở chết dở”, thậm chí dối diện nguy cơ phá sản, nhưng không còn lựa chọn nào khác.

Theo ông Lương Văn Thư, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty May Đáp Cầu, rất may là dịch được khống chế, doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất trở lại hôm 22/6, nhờ đó giảm thiểu được nguy cơ tệ nhất đã từng phải cân nhắc tới là phá sản.

Trở lại sản xuất, nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều, bởi chỉ riêng tại tỉnh Bắc Ninh, Công ty May Đáp Cầu có 3 nhà máy, quy mô 3.000 công nhân, trải qua nhiều ngày cách ly trong tâm dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này đã bị ảnh hưởng nặng nề.

“Dù được sản xuất trở lại, nhưng chúng tôi thiếu rất nhiều lao động, do mới chỉ có 70% người lao động làm việc, số còn lại vẫn đang ở trong khu vực cách ly y tế như Thị Cầu 2, Đại Phúc, Việt Yên”, ông Thư nói.

Mối lo lớn nhất của lãnh đạo doanh nghiệp là bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh cho người lao động. Ông Thư cho biết, người lao động đi làm lại, doanh nghiệp phải cho xét nghiệm PCR ngay, trong tuần thì tỉnh quy định xét nghiệm tiếp cho 20-50% số lao động. Với quy mô 3.000 lao động, mọi chi phí xét nghiệm PCR đều do doanh nghiệp chi trả, cũng là một khoản chi phí rất lớn mà doanh nghiệp buộc phải đáp ứng mới mong đủ điều kiện hoạt động.

Ngoài nỗi lo an toàn phòng chống dịch, thiếu lao động, còn một vấn đề lớn nữa mà doanh nghiệp phải đối mặt là giải quyết những đơn hàng tồn.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, rất may là phần lớn khách hàng đã phối kết hợp với doanh nghiệp trong việc hoãn giãn tiến độ giao hàng, dù vậy, vẫn có những ca khó, bởi hàng quần áo có thời vụ, là loại hàng nhanh, không thể hàng cho mùa này chuyển sang mùa khác được, nên chắc chắn sẽ có những thiệt hại về sự chậm trễ.

Khắc phục khó khăn

Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh đã kéo lùi kết quả kinh doanh của May Đáp Cầu, khi doanh thu chỉ đạt 411,7 tỷ đồng, bằng 84,8% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu xuất khẩu chỉ còn 405 tỷ đồng (năm 2019 là 482,4 tỷ đồng), lợi nhuận sụt giảm còn 15,1 tỷ đồng, bằng 75% so với thực hiện năm 2019.

Tình cảnh của năm 2021 còn tệ hơn. Theo lãnh đạo May Đáp Cầu, sẽ rất khó nói đến chỉ tiêu kinh doanh năm nay. “Chúng tôi tập trung gỡ khó từng chút một, để dồn lực khôi phục sản xuất, kinh doanh, từng bước đi qua giai đoạn này”, ông Thư cho biết.

Thiếu vốn, thiếu lao động, bài toán tăng chi phí, hiệu quả sản xuất chưa cao… là mối bận tâm chung của tất cả các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau một thời gian tạm dừng sản xuất để phòng chống Covid-19.

Đơn cử, Công ty Hiraki Việt Nam đóng tại Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang), dù sản xuất lại đã được 3 tuần, nhưng số lao động trở lại làm việc so với trước khi dịch bùng phát mới đạt 70%.

Lãnh đạo Công ty Hiraki Việt Nam thừa nhận, doanh nghiệp đang đối diện với tình trạng thiếu lao động trong quá trình tái khởi động sản xuất.

Trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát và Bắc Giang trở thành tâm dịch, nhà máy rộng hơn 10.000 m2 của Hiraki Việt Nam mỗi ngày sản xuất 400-500 bộ khuôn mẫu cho các đối tác Canon, Panasonic, Kyocera... Nhưng từ khi dịch xảy ra, đối tác thu khuôn, chuyển nơi khác để tránh đứt đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng đơn hàng của họ.

Bởi vậy, dù nhà máy được hoạt động sản xuất hoàn toàn trở lại, nhưng doanh nghiệp này tính toán, ít nhất phải sau 3 tháng mới có thể khôi phục được trạng thái như trước khi có dịch.

Tín hiệu vui là từ đầu tháng 7/2021, gần 400 doanh nghiệp tại Bắc Giang sản xuất trở lại. Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, việc đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại tại các khu công nghiệp là rất cấp bách để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian thiệt hại vì dịch bệnh. Do đó, các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh sẽ được địa phương đặc biệt ưu tiên.

Hải Yến
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc