Qua 30 năm phát triển Hepza: Công nghiệp TP.HCM có gì?
Ảnh minh hoạ.

Các khu công nghiệp – khu chế xuất tại TP.HCM đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, tuy nhiên năng suất lao động và trình độ chuyên môn kỹ thuật tại khu vực này vẫn là một vấn đề.

ĐỀ NGHỊ TIẾP TỤC CƠ CHẾ “MỘT CỬA”

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), trong 30 năm qua khu vực này đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,3 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%.

Bình quân hằng năm các khu chế xuất – khu công nghiệp thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của TP.HCM trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của các khu chế xuất - khu công nghiệp đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Hằng năm nộp ngân sách Nhà nước chiếm 6% thu ngân sách thành phố (không kể dầu thô); giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của TP.HCM (tính, riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%).

Thông tin tại hội nghị Tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý Hepza, cho biết một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các khu chế xuất – khu công nghiệp của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”.

Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của Khu chế xuất Tân Thuận và đã có đóng góp thiết thực trong việc xây dựng, phát triển thành công các khu chế xuất – khu công nghiệp.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý Hepza, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TĐ.Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý Hepza, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TĐ.

Do vậy, Hepza đề nghị TP.HCM và Trung ương tiếp tục duy trì, cho phép Hepza thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” trong giai đoạn phát triển mới, tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư, là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công Đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, sau khi được phê duyệt.

Bên cạnh đó, khu chế xuất – khu công nghiệp cần tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1 ha đất, từ trung bình 6,23 triệu USD/ha lên 15 triệu USD/ha vào năm 2025. Đồng thời, nâng cao năng suất lao động và trình độ chuyên môn kỹ thuật của công nhân, người lao động trong các khu chế xuất – khu công nghiệp.

“Để thu hút đầu tư FDI, TP.HCM cần tập trung xây dựng mới các khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp chuyên ngành, như: công nghiệp dược, công nghệ thông tin, điện điện tử, cơ khí chế tạo, lương thực thực phẩm…”, ông Hưng gợi ý.

ĐỊNH VỊ LẠI CÔNG NGHIỆP TP.HCM

Nhận định về quá trình 30 năm phát triển của các khu chế xuất- khu công nghiệp thành phố, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, cho rằng với tỷ lệ lấp đầy cao của 17 khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy quyết tâm cao thu hút đầu tư mang lại những kết quả tích cực, cũng như đã quy tụ được hơn 500 doanh nghiệp FDI từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động tại đây.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, gửi lời tri ân đến những người dân đã hy sinh quyền lợi của mình để giao đất cho Nhà nước- Ảnh: TĐ.  Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, gửi lời tri ân đến những người dân đã hy sinh quyền lợi của mình để giao đất cho Nhà nước- Ảnh: TĐ.  

“Nhiều nhà đầu tư đã nói rằng “dù tôi ở đâu đến nhưng khi tôi là cư dân của TP.HCM thì tôi cống hiện giá trị như một người dân thành phố. Đó là điều rất quan trọng”, ông Nên nhấn mạnh.

Ông Nên cũng gửi lời tri ân đến những người dân đã đồng thuận, chấp nhận hy sinh quyền lợi của mình để giao đất cho Nhà nước, thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nên cho rằng cần nhìn lại và đánh giá mô hình các khu công nghiệp của thành phố để thấy được thành quả cũng như hạn chế.

“Trước đó là mô hình tiên phong, đột phá nhưng bây giờ nhìn ra ngoài, nhìn các thành phố lớn trên thế giới để định vị lại TP.HCM”, ông Nên nói.

Trong thời gian tới, ông Nên đề nghị các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM phải quyết liệt loại bỏ các doanh nghiệp lạc hậu, thâm dụng lao động, sử dụng nguyên nhiên liệu phát thải cao, tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái, tuần hoàn, đảm bảo chuyển giao công nghệ…

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng TP.HCM cần có phương án di dời các khu công nghiệp có ảnh hưởng lớn đến môi trường  - Ảnh: TĐ.Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng TP.HCM cần có phương án di dời các khu công nghiệp có ảnh hưởng lớn đến môi trường  - Ảnh: TĐ.

Đánh giá cao những kết quả của Hepza, theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP.HCM cần có phương án di dời các khu công nghiệp gần các đô thị lớn, các khu công nghiệp với các ngành nghề sản xuất có ảnh hưởng lớn đến môi trường; có phương án quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các khu vực xa đô thị trung tâm như huyện Bình Chánh, Củ Chi…

Ngoài ra, thành phố cần nghiên cứu xây dựng các khu công nghiệp theo mô hình mới, như: khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp công nghệ cao…

Mộc Minh
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc