Samsung “úp mở” khả năng mua lại nhà thiết kế chip ARM
Lee Jae-yong (trái) Phó chủ tịch Samsung Electronics và Masayoshi Son (phải) Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SoftBank.

Cơ hội nào?

Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong mới đây đã công khai kế hoạch gặp mặt Giám đốc điều hành SoftBank Masayoshi Son tại Seoul vào tháng tới. Nhà lãnh đạo Samsung đã được hỏi về thương vụ này khi ông đến Trung tâm Hàng không Kinh doanh Gimpo Seoul. Và Lee dường như mới chỉ xác nhận cuộc gặp mặt mà chưa tiết lộ gì thêm. “Chúng tôi chưa gặp nhau, nhưng Chủ tịch SoftBank Masayoshi Son sẽ đến Seoul vào tháng tới. Tôi nghĩ có lẽ ông ấy sẽ đưa ra đề xuất vào thời điểm đó”, Phó Chủ tịch Samsung cho biết.

Xem xét bản chất bí mật thông tin của Samsung, các nhà phân tích trong ngành cho rằng phát biểu của nhà lãnh đạo Samsung là một điều bất ngờ và thể hiện tham vọng mạnh mẽ trong việc mua lại Arm.

Trên thực tế, công ty thiết kế chip có trụ sở tại Anh hiện đang được rao bán khi “gã khổng lồ” chip đồ họa của Mỹ, Nvidia đã không nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan thương mại công bằng của các quốc gia tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn, mặc dù họ đã đạt được thỏa thuận mua 100% cổ phần đầu tư từ SoftBank với giá 40 tỷ USD vào tháng 10 năm 2020.

Trước đó, thương vụ thâu tóm 40 tỷ của Nvidia với Arm đã tốn không ít giấy mực nhưng cuối cùng mọi việc “chẳng đâu vào đâu”. Các cơ quan quản lý của các nước như Anh, Mỹ và Trung Quốc đều lo ngại rằng việc Nvidia kiểm soát Arm có thể tạo ra các vấn đề thực sự cho các đối thủ của họ bằng cách hạn chế quyền truy cập vào các công nghệ “lõi” và kìm hãm sự đổi mới trên một số thị trường quan trọng và đang phát triển.

Trong khi đó, công ty mẹ của Arm là SoftBank đang cực kỳ sốt ruột trong việc bán công ty của Anh, bởi vì gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản đang thiếu tiền mặt khi Quỹ Tầm nhìn của họ bị thua lỗ lớn nhất từ trước đến nay. Vào tháng 8, công ty đã công bố mức lỗ kỷ lục hàng quý khoảng 3,2 nghìn tỷ yên (21,9 tỷ USD).

Liệu có dễ?

Arm, công ty được tách ra khỏi công ty máy tính ban đầu có tên là Acorn Computers vào năm 1990. Thiết kế chip tiết kiệm năng lượng của công ty được sử dụng trong 95% điện thoại thông minh trên thế giới và 95% chip được thiết kế ở Trung Quốc. Công ty cấp phép tài sản trí tuệ liên quan đến thiết kế kiến trúc chip di động cho hơn 500 công ty sử dụng chúng để sản xuất chip của riêng họ, trong đó bao gồm cả những “gã khổng lồ” như Apple, Qualcomm và Samsung.

Thương vụ mua lại của Nvidia với Arm trị giá 40 tỷ USD đã bị đổ bể.

Trong khi đó, Samsung cũng đang thể hiện tham vọng khi lên kế hoạch mở rộng kinh doanh chất bán dẫn bằng cách mua lại các công ty nhỏ hơn. Họ được cho là đã tích lũy được khoảng 106 nghìn tỷ won (gần 90 tỷ USD) tiền mặt tính đến tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, các kế hoạch mua bán và sáp nhập của Samsung đã gặp phải sóng gió sau khi thương vụ giữa Nvidia và Arm bị tuýt còi vì những lo ngại độc quyền.

Gần đây, các thương vụ thâu tóm trong lĩnh vực chất bán dẫn đã giảm xuống trông thấy khi các nước lớn đều thể hiện sự phản đối với lý do lo ngại về độc quyền. Nhưng, trong cái rủi lại có cái may, chính việc thương vụ giữa Nvidia và Arm đổ bể lại đang tạo ra cơ hội cho Samsung.

Jim Handy, một nhà phân tích chip nổi tiếng và là Tổng giám đốc của công ty nghiên cứu thị trường bán dẫn Objective Analysis có trụ sở tại Thung lũng Silicon, cho rằng: “Một phần lý do khiến Nvidia không thể mua Arm là do họ sẽ đặt quá nhiều quyền lực vào tay một công ty. Luật chống độc quyền ở Mỹ để ngăn chặn độc quyền quy định điều kiện là mức độ tập trung của thị trường, được đo bằng Chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI). Và HHI cho thương vụ Nvidia + Arm là quá cao, trong khi Samsung sẽ không gặp vấn đề này, vì Samsung không phải là nhà sản xuất vi xử lý”.

Nhìn chung, nếu Samsung thành công trong việc mua lại Arm, nhà sản xuất chip nhớ số một thế giới có thể tạo ra hiệu ứng tổng hợp đáng kể với mảng kinh doanh phi bộ nhớ như chip màn hình và chip ô tô, mà họ đã đầu tư rất nhiều tiền trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, thương vụ này có thể chỉ là đồn đoán từ giới quan sát mà chưa có xác nhận chính thức từ các bên. Có thể phải chờ đợi một thời gian nữa mọi việc mới sáng tỏ.

Nguyễn Chuẩn
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp
Link bài viết gốc