Thủ tướng yêu cầu khẩn trương mở rộng, nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát huy kết quả hoạt động của Nhà máy, đồng thời rút kinh nghiệm từ các dự án khác để khẩn trương triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bảo đảm đúng quy định, kịp thời, hiệu quả...
Trưa 1/1, trong chuyến công tác đầu năm 2023 tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR- đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) Quảng Ngãi.
Tại cuộc làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, báo cáo cho biết Nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD, công suất khoảng 6,5 triệu tấn/năm, đi vào hoạt động từ năm 2010. Từ năm 2021 trở lại đây, hoạt động kinh doanh của BSR liên tục lập kỷ lục, lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt gần 6.700 tỷ đồng.
Trong những tháng gần đây, khi thị trường xăng dầu có nhiều biến động, BSR đã đẩy mạnh quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Từ ngày 5/11/2022, Nhà máy đã nâng công suất vận hành lên mức 112%, vượt 9% công suất so với kế hoạch vận hành trung bình năm là 103%.
Năm 2022, BSR sản xuất khoảng 7 triệu tấn sản phẩm các loại, cung cấp ổn định trên 30% nguồn cung xăng dầu trong nước; doanh thu ước đạt 167.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 18.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 13.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động, đồng thời đạt nhiều giải thưởng về khoa học – công nghệ.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang đề xuất dự án nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, song gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, trong đó có quy định về giá xăng dầu tại Nghị định 95 năm 2021. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đề xuất đề án xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại Dung Quất.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương đánh giá cao các kết quả, thành tựu của BSR năm 2022 khi đã "vượt qua khó khăn, vượt qua giới hạn", góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đến nay, chúng ta đã chủ động được khoảng 70% nguồn cung xăng dầu trong nước.
Thủ tướng cho biết ngay sau khi nhậm chức, ông đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ông nhấn mạnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Việt Nam tự xây dựng, vận hành, đến nay đã hoạt động có lãi.
Tặng quà cán bộ, người lao động BSR, Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan, các địa phương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể về các trung tâm lọc hóa dầu - Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát huy kết quả hoạt động của Nhà máy, đồng thời rút kinh nghiệm từ các dự án khác để khẩn trương triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bảo đảm đúng quy định, kịp thời, hiệu quả.
Ý kiến các bộ ngành cho biết tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ: "Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất". Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, trong đó có đề án mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia Dung Quất.
Các bộ ngành đánh giá việc hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu tại Dung Quất phù hợp với Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và cần thiết cho việc phát triển ngành dầu khí, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thực tế hiện nay, cả nước đang dần hình thành 3 trung tâm lọc hóa dầu lớn tại miền Bắc (Thanh Hóa), miền Trung (Quảng Ngãi) và miền Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan, các địa phương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể về các trung tâm lọc hóa dầu, trong đó chú trọng đến các cơ chế, chính sách cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phát triển lĩnh vực này.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những kết quả hoạt động của VSIP Quảng Ngãi với có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả "cân đong đo đếm" được - Ảnh: VGP
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng làm việc với Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh), đi vào hoạt động từ năm 2013, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.700 ha. Đây là khu VSIP thứ 5 tại Việt Nam và đầu tiên tại miền Trung, đến nay đã lấp đầy được khoảng 89%, thu hút được 33 nhà đầu tư đến từ 12 nền kinh tế với tổng vốn đầu tư 989 triệu USD. Hiện đã có 22 nhà đầu tư có dự án đi vào sản xuất kinh doanh, tạo 28.000 việc làm; khi 33 nhà đầu tư đi vào hoạt động, dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho 53.000 lao động.
Quảng Ngãi đang phối hợp với các bộ, ngành để có thể khởi công dự án VSIP Quảng Ngãi 2 trong năm 2023 theo hướng xanh, sạch, thông minh. Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi đang trình Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035 tầm nhìn đến 2050.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những kết quả hoạt động của VSIP Quảng Ngãi với có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả "cân đong đo đếm" được, mang lại thay đổi cho địa phương, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành, phát triển các khu công nghiệp.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả các khu công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường; tổng kết kinh nghiệm hoạt động của VSIP để triển khai VSIP Quảng Ngãi 2. Thủ tướng giao các bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ngãi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các VSIP nói riêng và khu công nghiệp nói chung.