Việt Nam tiếp tục là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài
Việc vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang chậm lại khiến dư luận đặt câu hỏi: có phải Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài? Câu trả lời là không phải!
Mất lợi thế cạnh tranh?
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn trong xu hướng chậm lại. Và đấy là một trong những lý do khiến gần đây xuất hiện những lo ngại rằng, Việt Nam có thể mất đi lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn này, đặc biệt là khi so với Ấn Độ, Indonesia, Malaysia.
Tuy vậy, trong báo cáo vừa được công bố liên quan vấn đề này, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm một cơ sở sản xuất thay thế, và/hoặc bổ sung cho Trung Quốc trong tương lai gần.
Có rất nhiều lý do để ông Michael Kokalari khẳng định điều này, bất chấp việc CEO của Apple vào tháng trước đã tới Ấn Độ, làm dấy lên các suy đoán về việc Apple và các công ty khác sẽ xây dựng các nhà máy mới tại Ấn Độ.
Lý do đáng kể nhất, đó là việc đầu tư vào Ấn Độ không có xuất phát điểm từ chiến lược Trung Quốc + 1, mà là đầu tư để sản xuất và cung ứng cho thị trường nội địa có nhu cầu đang tăng nhanh. Trong khi đó, Việt Nam là lựa chọn quan trọng bên cạnh Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua, nhất là kể từ sau khi xung đột thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến hầu hết nhằm mục đích xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện tại.
Với Malaysia hay Indonesia cũng vậy, theo ông Michael Kokalari, các khoản đầu tư vào các quốc gia này chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm mà Việt Nam không sản xuất, bao gồm cả pin ô tô điện (EV).
Bởi vậy, ông Michael Kokalari không cho rằng, Ấn Độ có thể làm cản trở dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. “Không nên xem làn sóng đầu tư vào Ấn Độ là sự chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam”, ông Michael Kokalari nhấn mạnh như vậy và cho rằng, có khả năng những năm tới đây, Việt Nam vẫn tiếp tục hưởng lợi nhiều nhất từ các khoản đầu tư nước ngoài được thúc đẩy bởi chiến lược Trung Quốc + 1.
“Tại thời điểm này, Ấn Độ không được coi là điểm đến hấp dẫn để sản xuất hàng xuất khẩu như một phần của chiến lược Trung Quốc + 1, trong khi Việt Nam là lựa chọn ưa thích của hầu hết các công ty”, ông Michael Kokalari khẳng định.
Tương tự, cả Malaysia và Indonesia đều không “làm khó” được Việt Nam, bởi các lĩnh vực đầu tư khác nhau. Trong khi Malaysia và Indonesia đang hút vốn trong các lĩnh vực xe điện và điện toán đám mây, thì dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tập trung trong lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các dự án lắp ráp thiết bị điện tử tiêu dùng và các sản phẩm công nghệ cao khác.
Dòng Vốn đầu tư nước ngoài vẫn “chảy”
Hơn một tháng trước, Tập đoàn Quanta Computer (Đài Loan) đã ký thỏa thuận với UBND tỉnh Nam Định về việc phát triển dự án sản xuất máy tính quy mô lớn tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Và rất nhanh sau đó, đầu tháng 5, Nam Định đã hoàn thành các thủ tục cần thiết để cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án này.
Với vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD, Quanta Computer dự kiến xây dựng nhà máy trên diện tích 22,5 ha, chuyên sản xuất và gia công máy tính xách tay, máy tính để bàn, với công suất thiết kế 4,5 triệu máy tính/năm. Đây là nhà máy thứ 9 của Quanta trên toàn cầu, nhưng là nhà máy đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam. Điều quan trọng, Quanta chính là đối tác sản xuất MacBook của Apple. Bởi thế, sự xuất hiện của tập đoàn này đồng nghĩa với việc “ông lớn” Apple đang tiếp tục xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Tính đến cuối năm ngoái, có 25 nhà máy tại Việt Nam là nhà cung ứng cho Apple. Thêm sự xuất hiện của Quanta cũng có nghĩa, chuỗi cung ứng của Apple tại Việt Nam đang từng bước được nối dài.
Hồi tháng 2/2023, tỉnh Thái Bình cũng đã trao chứng nhận đầu tư dự án 260 triệu USD cho Compal, một đối tác khác của Apple. Trong khi đó, Foxconn, đối tác hàng đầu của Apple, đang lên kế hoạch phát triển một dự án ở Nghệ An, sau khi thành công với các dự án ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Tương tự, cả Goertek, Luxshare, Pegatron… đều đang từng bước mở rộng các hoạt động đầu tư, qua đó đưa chuỗi cung ứng của “ông lớn” Apple hiện diện ngày càng sâu rộng ở Việt Nam.
Các động thái trên cho thấy, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn và đúng như lời của ông Michael Kokalari, Việt Nam là điểm đến ưa chuộng của các tập đoàn đa quốc gia trong chiến lược Trung Quốc + 1.
Khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Nhật Bản để tham dự Hội nghị G7 vào tuần trước, nhiều tập đoàn Nhật Bản, khi diện kiến Thủ tướng, đều khẳng định mối quan tâm tới điểm đến đầu tư Việt Nam.
Thậm chí, ông Akio Yoshida, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON còn cho biết, Việt Nam là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của AEON ở thời điểm hiện tại, với hơn 1,18 tỷ USD. Ngoài các trung tâm mua sắm lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế…, AEON sẽ phát triển khoảng 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam, đồng thời mở rộng nhập hàng Việt Nam để phân phối tại hơn 20.000 trung tâm thương mại tại Nhật Bản.
Trong khi đó, ông Fujimoto Masayoshi, Tổng giám đốc Tập đoàn Sojitz cam kết với Thủ tướng rằng, Sojitz sẽ đầu tư mạnh mẽ, lâu dài tại Việt Nam. Ngoài các khoản đầu tư tại 17 công ty tại Việt Nam, Sojitz dự kiến tiếp tục đầu tư trong các lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, năng lượng tái tạo…
Tại Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và cam kết tiếp tục đầu tư, đưa Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất quan trọng nhất bên ngoài Nhật Bản. Theo khảo sát của JETRO, 60% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Khi các kế hoạch này được hiện thực hóa, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng.
Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư Trong một cuộc trao đổi gần đây với báo giới, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright khẳng định, Việt Nam chưa mất đi lợi thế là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, dù trong ngắn hạn, các nhà đầu tư đang phải cân nhắc khá kỹ trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Ngoài câu chuyện xu hướng sụt giảm chung của toàn cầu, thì các vấn đề như thủ tục rườm rà, ưu đãi thuế, cấp phép chậm… cũng đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn. “Nhưng trong dài hạn, Việt Nam vẫn là một quốc gia có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư”, ông Nguyễn Xuân Thành nói. |