Vinatex: Tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đạt cao nhất trong vòng 25 năm qua
Hầu hết các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đã đủ đơn hàng đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12/2021.

Thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của Vinatex cho thấy, doanh thu hợp nhất ước đạt 7.250 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, đạt 43,1% kế hoạch cả năm.

Mặc dù thị trường 6 tháng đầu năm hồi phục tốt nhưng doanh thu chỉ tương đương cùng kỳ năm trước do không còn nguồn thu từ đồ bảo hộ y tế và để phòng ngừa rủi ro 6 tháng đầu năm Tập đoàn ưu tiên lựa chọn các đơn hàng CM thay cho các đơn hàng FOB (các đơn hàng FOB có doanh thu cao hơn so với CM).

Lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn này ước đạt 557,8 tỷ đồng, bằng 195,6% so với cùng kỳ, đạt 79,7% kế hoạch cả năm.

Mặc dù doanh thu hợp nhất ngang bằng so cùng kỳ năm ngoái nhưng biên lợi nhuận được cải thiện đáng kể, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái do ngành sợi có kết quả tốt đóng góp 60% hiệu quả hợp nhất của Tập đoàn.

Sau 2 năm liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành sợi đã có nhiều chuyển biến tích cực, cầu và giá bán cùng tăng cao.

Ước tính lợi nhuận ngành sợi 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 320 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ 69 tỷ). Hầu hết các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đã đủ đơn hàng đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12/2021.

Lần đầu tiên sau 25 năm thành lập, Tập đoàn có kết quả tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm cao như của năm 2021, bằng 195% kết quả cùng kỳ năm trước và vượt 50% kết quả cùng kỳ của năm 2019 – năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Lý giải điều này, Vinatex cho rằng, do nhu cầu nhập khẩu dệt may tại các thị trường lớn phục hồi tốt trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng cầu dệt may thế giới (tính chung cả hàng may mặc và đồ bảo hộ y tế) tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2020 (trong khi năm 2021 nhu cầu tiêu thụ đồ bảo hộ toàn cầu không còn được như năm 2020 nên thực tế nhu cầu về hàng may mặc tăng cao hơn con số 3% nói trên).

Hơn nữa, việc tiêm vaccine rộng rãi tại Mỹ và EU cùng các gói kích thích kinh tế của Chính phủ các nước này đã phát huy hiệu quả, nhu cầu tiêu dùng kìm nén suốt năm 2020 quay trở lại tương đối nhanh và mạnh tại các thị trường này.

Lần đầu tiên sau 3 năm dự báo của World Bank về tốc độ tăng GDP trong báo cáo tháng 6/2021 cao hơn dự báo đưa ra vào tháng 1/2021, trong đó đột biến chính ở thị trường Mỹ với tốc độ tăng trưởng năm 2021 dự báo 6,8% - mức cao nhất kể từ năm 1984. 

Ngoài yếu tố cầu phục hồi, còn một số yếu tố khác tác động tạo xu hướng dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam như việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh đến hết tháng 4/2021 trong khi dịch bệnh hoành hành tại các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia; việc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc bông Tân Cương của Trung Quốc cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa kết thúc.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Vinatex nhận định, thị trường dệt may đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và nhiều yếu tố bất định, thị trường sợi trầm lắng hơn, dịch bệnh bùng phát tại phía Nam… Tuy nhiên Tập đoàn phấn đấu hoàn thành kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 17.365 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt trên 700 tỷ đồng…

Vũ Khuê
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc