Xuất khẩu 2023: Đường tới đích thêm xa

Ngành hàng lớn liêu xiêu

“Thật sự lo lắng” là chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu giày dép, có nhà máy đóng tại Bình Dương, khi đã hết 4 tháng đầu năm, mà đơn hàng xuất khẩu cho những tháng kế tiếp vẫn thưa vắng, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, gần như chấm dứt tăng ca.

Nỗi lo này là dễ hiểu, bởi chỉ riêng năm ngoái, toàn ngành da giày - túi xách đóng góp 28 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, riêng giày dép đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34,6%; mặt hàng túi xách, vali, mũ, ô, dù đạt 4,1 tỷ USD, tăng 35,6%.

Còn 4 tháng đầu năm nay, giày dép hụt hơi cả tỷ USD, chỉ mang về 6,13 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ; túi xách đạt 1,15 tỷ USD, giảm 10,3%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 tiếp tục đón những “cơn gió ngược”, giảm 7,3% so với tháng 3/2023, đạt 27,54 tỷ USD. Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ 2022 (tương đương mức giảm 14,5 tỷ USD).

Khu vực FDI vốn đóng góp gần 74% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong 4 tháng qua cũng giảm tới 12,1%, khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%.

Trong 4 tháng qua, cả nước có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4%).

Khan hiếm đơn hàng xuất khẩu, nên cả 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD của nước ta đều ghi nhận mức sụt giảm từ 5,9 - 19,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là những con số rất đáng lo ngại.

Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 17,425 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16,134 tỷ USD, giảm 8,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 13 tỷ USD, giảm 5,9%; hàng dệt may đạt 9,571 tỷ USD, giảm 19,3%; giày dép đạt 6,13 tỷ USD, giảm 16,3%.

Trên thực tế, đà giảm xuất khẩu đã xuất hiện từ quý IV/2022, kéo tăng trưởng của một số ngành thấp hơn dự kiến. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện năm 2022 chỉ tăng 0,81% so với năm 2021, đạt 57,99 tỷ USD, chiếm 15,62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước.

Theo dự báo của Counterpoint Research, trong nửa đầu năm 2023, thị trường điện thoại toàn cầu vẫn chịu áp lực suy thoái và có thể khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm.

Nhìn tổng thể, trong 45 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam qua 4 tháng, chỉ có 7 mặt hàng có tăng trưởng. Trong đó, xuất khẩu gạo tăng 54% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 3 triệu tấn, thu về 1,55 tỷ USD; rau quả tăng 19,4%, đạt gần 1,4 tỷ USD; hạt điều và cà phê tăng nhẹ 2,5%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,8%, đạt 4,35 tỷ USD.

Nhưng nếu phân tích sâu hơn, có thể thấy, đà tăng của rau quả cũng chưa thật sự sáng, bởi năm 2022, xuất khẩu rau quả giảm gần 5,1%, chỉ đạt 3,37 tỷ USD. Xuất khẩu điều cũng tương tự, vì cả năm ngoái chỉ đạt 3,09 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và 15,1% về trị giá so với năm 2021.

Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng, chỉ có nhóm nông sản, lâm sản tăng 3,7%; các nhóm còn lại đều giảm: nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 16,4% so với cùng kỳ; nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm 12,3%; nhóm hàng thủy sản giảm 29,1%.

Các ngành hàng đóng góp kim ngạch lớn đều sụt giảm đã tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế.

Do thiếu hụt đơn hàng, tiêu thụ một số sản phẩm khó khăn, nên hàng tồn kho ở mức cao. Sở Công thương tỉnh Quảng Bình cho biết, riêng tồn kho gỗ ván ép tại địa phương này tính đến hết quý I đã lên tới 120 tỷ đồng. Tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu… khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá xuất khẩu. Các doanh nghiệp may mặc, chế biến gỗ tại Quảng Bình hoạt động cầm chừng, số lượng lao động bị cắt giảm 15 - 35% so với cùng kỳ năm 2022.

Gian nan chặng đường về đích

Năm 2023, xuất khẩu đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2022, tương đương kim ngạch 393 - 394 tỷ USD. Sau 4 tháng, xuất khẩu mới đạt trên 108 tỷ USD, nên chặng đường còn lại sẽ vô cùng vất vả.

Thực tế 4 tháng qua, tất cả các thị trường chủ lực, từ Mỹ đến châu Âu, Nhật Bản… đều thắt chặt nhập khẩu hàng hóa, làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các doanh nghiệp Việt Nam. Xuất khẩu sang Mỹ 4 tháng đạt 28,4 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ; EU đạt 13,7 tỷ USD, giảm 14,1%; Nhật Bản giảm 0,9%; Hàn Quốc giảm 6,9%; Trung Quốc giảm 7,9%; ASEAN giảm 1,3%.

Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản sụt giảm nhiều nhất; trong khi đó, các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... ít chịu tác động hơn.

Tại Hội nghị Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu do Bộ Công thương tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ: “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc, một số nước phát triển lại đã và đang dựng lên các hàng rào kỹ thuật, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt dễ bị tổn thương hơn”.

Theo đó, cần kịp thời tìm giải pháp để tháo gỡ, nếu không, sẽ khó đạt được mục tiêu xuất khẩu cho năm 2023 và cho cả chu kỳ 5 - 10 năm tiếp theo.

Thế Hải
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc