Khoảng tối tài chính trong Metarverse và tham vọng của Meta
Ông chủ Meta tham vọng thu hút được 1 tỷ người dùng trong Metaverse, với mức chi tiêu hàng trăm USD mỗi người. Nhưng việc thiếu minh bạch trong chi tiêu cho dự án đã dấy lên sự lo ngại cho nhà đầu tư.
Lảng tránh những khoản lỗ
Meta, công ty mẹ của Facebook đã chi hơn 15 tỷ USD cho phòng nghiên cứu Metaverse - Reality Labs của mình kể từ đầu năm 2021, nhưng cho đến nay, công ty vẫn chưa công bố chính xác số tiền đang được chi như thế nào.
Dan Ives, nhà phân tích công nghệ tại Wedbush Securities cho rằng, họ chi tiền nhưng sự minh bạch với các nhà đầu tư lại không tương xứng. "Đây tiếp tục là một vụ đánh cược mạo hiểm của Zuckerberg và đội nhóm hiện tại. Họ đang đặt cược tiền vào tương lai, khi vẫn gặp khó khăn lớn trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình".
Khi Meta bắt đầu công bố thông tin tài chính cho Reality Labs vào năm ngoái, công ty tiết lộ đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào hệ thống. Nhưng đến nay lại báo cáo khoản lỗ hơn 5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, Meta cũng từ chối đưa ra bình luận xung quanh vấn đề này, một phát ngôn viên của Meta cho biết sẽ không tiết lộ chi tiết tài chính với phân khúc Reality Labs.
Hay theo Mark Zgutowicz, một nhà phân tích tại Benchmark nhận xét, mặc dù không chắc chắn, nhưng ông ước tính ít nhất 60% chi phí hoạt động cho Reality Labs là dành cho chi phí nghiên cứu, phát triển để xây dựng một thế giới hoàn toàn mới.
“Không có Metaverse thực sự, ít nhất là với quan điểm rộng mở hơn, cho đến khi tất cả chúng ta có thể đeo kính mà không giống như người ngoài hành tinh hay thứ gì đó tương tự. Thật khó để họ có thể mua lại các công ty phần mềm độc đáo khác, bởi những gánh nặng, ràng buộc pháp lý, đến mức họ phải tự xây dựng và phát triển mọi thứ trong phạm vi của riêng mình. Chắc chắn, Meta không phải là công ty duy nhất từ chối ghi lại các khoản lỗ nhất định, nhiều nơi cũng có cách làm tương tự”, ông nói.
Tầm nhìn dài hạn của Meta
Tuy nhiên, vẫn có những người tin tưởng vào tầm nhìn dài hạn của Mark Zuckerberg và lời hứa của Metaverse. Đơn cử như thời điểm Facebook mua lại Instagram, mọi người đã cười nhạo và nói đó là ý tưởng điên rồ. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, vị tỷ phú sẽ ném hết số tiền đầu tư đó đi, nhưng điều bất ngờ là Instagram hóa ra là một trong những thương vụ mua lại tốt nhất từ trước đến nay.
Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg tin tưởng, vẫn còn nhiều năm trong tương lai dành cho một thế giới trực tuyến liên kết, bền bỉ. Meta sẽ chậm lại các khoản chi tiêu cho dự án Metaverse dài hạn, khi đối mặt với thu nhập ngày càng chậm chạp hơn.
Trước đó, Meta đã lên tiếng về tham vọng xây dựng các công nghệ siêu đa dạng và nhập vai như thực tế ảo, thực tế tăng cường. Công ty cũng quyết tâm đổi thương hiệu từ Facebook sang Meta vào năm ngoái, để nhấn mạnh sự tập trung vào một xu hướng mới. Xu hướng được Constellation Research ước tính có thể đạt 21,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, Zuckerberg đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng, sẽ mất nhiều thời gian để thấy được lợi nhuận có ý nghĩa từ số tiền đã chi cho Reality Labs.
Ông nói: “Chúng tôi đang đặt nền móng cho những gì tôi mong đợi vào một năm 2030 đầy thú vị. Sẽ có kết quả trong suốt chặng đường, nhưng đây sẽ là một chu kỳ dài hơi".
Vị Giám đốc điều hành đế chế này chia sẻ thêm, một phần của nền tảng đó là tai nghe VR cao cấp nhắm đến doanh nghiệp. Chiếc tai nghe có tên là Project Cambria và dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, để thay thế máy tính xách tay làm việc của nhân viên. Tai nghe sẽ có video đủ màu truyền qua từ các camera bên ngoài của nó, vì vậy nó có thể lồng các yếu tố kỹ thuật số lên môi trường thực của người dùng. Cambria cũng sẽ theo dõi ánh mắt và nét mặt của người dùng để cải thiện khả năng tương thích trong môi trường ảo của họ.
Năm ngoái, Meta đã đưa ra một sản phẩm VR - Horizon Workroom vào phiên bản Beta với phòng làm việc là một phòng họp ảo, nơi các nhân viên có thể tương tác thông qua đó.
Tham vọng 1 tỷ người trong Metaverse
Tỷ phú Mark Zuckerberg khoe ảnh đại diện đầy đủ tại sự kiện Meta Connect (Nguồn: Meta)
Đến nay, Meta đã coi Metaverse là tương lai của công việc, cho phép các nhân viên làm việc từ mọi nơi có thể tương tác như họ đang ở cùng một nơi. Meta cũng muốn tăng cường cơ sở người dùng cho nền tảng Metaverse của mình. Theo đó, công ty sẽ tung ra phiên bản web của Horizon vào cuối năm 2022, mở ra nền tảng cho người dùng PC và thiết bị di động. Hiện tại, mọi người chỉ có thể truy cập Horizon thông qua tai nghe VR.
“Về cơ bản, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp cận được khoảng một tỷ người trong Metaverse sẽ thực hiện giao dịch thương mại trị giá hàng trăm USD mỗi người, bằng việc mua hàng hóa kỹ thuật số, nội dung kỹ thuật số, những thứ khác nhau để thể hiện bản thân hoặc những thứ để trang trí phòng hội nghị ảo của họ, các tiện ích để có thể hoạt động hiệu quả hơn trong thực tế ảo và tăng cường cũng như trên tổng thể Metaverse”, tỷ phú Mark Zuckerberg bày tỏ tham vọng.
Ngoài việc chi tiêu đa dạng, Meta còn đầu tư rất nhiều vào việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), thứ có thể thúc đẩy quảng cáo - nguồn mang lại khoảng 97% doanh thu và các ứng dụng hiện có của công ty.
Khi các đề xuất về AI trở nên tốt hơn, người dùng sẽ có quyền truy cập không chỉ nội dung từ những người được theo dõi mà có thể là toàn bộ “vũ trụ nội dung” ngoài kia. Đây cũng là một cách mà TikTok thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc) sử dụng để thúc đẩy nền tảng này chạm đến một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Do đó, Meta đã tìm cách đáp lại sự tăng trưởng nhanh chóng, bằng việc giới thiệu tính năng Reels của Instagram vào năm 2020. Reels chiếm hơn 1/5 thời gian mọi người dành cho Instagram. Hy vọng những cải tiến về AI sẽ làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn đối với người dùng Instagram.
Ngoài ra, Meta cũng đang đầu tư vào phần cứng cho AI, cùng với các công ty công nghệ lớn khác như Alphabet và Microsoft. Tuy nhiên, công ty sẽ giảm đầu tư vào AI trong trường hợp suy thoái kinh tế xảy ra.