LOGISTICS 4.0: Cơ hội bứt phá cho giai đoạn mới
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tạo giá trị cho logistics.
Đến nay, đã có 17 Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước và chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia được triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, giảm giá trị nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa…; các hoạt động trình diễn, giới thiệu, phổ biến một số công nghệ trong và ngoài nước có thể ứng dụng, triển khai phục vụ phát triển các ngành, dịch vụ logistics; chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án có tác động lớn đến sự phát triển của hoạt động logistics…
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng Lan, việc ứng dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp dịch vụ logistics còn gặp nhiều khó khăn. Đó là nhận thức về chuyển đổi số - vai trò và lợi ích, mối quan hệ tương hỗ giữa mô hình kinh doanh và ứng dụng, đổi mới công nghệ; khó khăn trong chọn giải pháp và quản lý dự án công nghệ; thiếu nhân lực có kỹ năng số phù hợp, thiếu vốn; hệ thống dịch vụ công liên quan chưa tương xứng…
Bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)
Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ được Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên tập trung triển khai là hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong hoạt động logistics theo hướng lấy nhu cầu của doanh nghiệp làm trung tâm, giải quyết các vấn đề theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao năng lực cho các tổ chức, thúc đẩy hình thành một số trung tâm nghiên cứu mạnh về logistics.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện Chương trình “Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài giai đoạn 2021-2030” và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 góp phần hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ trong các ngành, lĩnh vực trong đó có dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao;... đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ chế tạo, phát triển trang thiết bị kiểm tra, đo lường và kiểm định phương tiện đo đảm bảo tính chính xác, trung thực trong giao nhận hàng hóa; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, xây dựng mới và ban hành các TCVN, QCVN trong hoạt động logistics theo hướng hài hòa với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; Thúc đẩy hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo) quy mô địa phương; quy mô vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế cung cấp cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ kết hợp với một số công đoạn của dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng.
Đề xuất 3 giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chia sẻ thêm về thực trạng và khó khăn trong chuyển đổi số trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước do khác biệt và chênh lệch về điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất, vấn đề lịch sử hoặc ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, một số cơ chế chính sách cho việc nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm ứng dụng các công nghệ mới còn thiếu hoặc chưa được quy định rõ ràng; một số quy định pháp luật liên quan đến xác thực điện tử, chia sẽ dữ liệu, định danh... chưa được quy định cụ thể.
Theo ông Trung, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số, các bên cần xem xét xây dựng một liên minh công nghệ để tăng cường sự trao đổi chia sẻ và hỗ trợ cho các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn. Để làm được điều này, ông Trung cho rằng, các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ như Viettel, FPT... có thể tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistic.
Bên cạnh đó, ông Trung cho biết, xây dựng logistic hub, phát triển các quy trình dùng chung trên nền tảng công nghệ cũng là bước đi cần thiết. "Logistic là chuỗi xử lý các khiếu nại của khách hàng và chăm sóc khách hàng. Suy nghĩ xây dựng những platform chung về booking, hoặc liên quan đến dịch vụ chuỗi. Đặc biệt là ứng dụng AI trong xử lý khiếu nại và chăm sóc khách hàng", ông Trung nhận định.
Cuối cùng, trong vấn đề con người, ông Trung đề nghị xây dựng ban chuyên gia tư vấn và kết nối về chuyển đổi số, từ đó cùng trao đổi và đưa ra hướng đi phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện đầu tư trong IT, kiến tạo các nền tảng ứng dụng thích hợp cho khách hàng và người sử dụng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, ông Trung khẳng định, Tổng công ty Hàng hải đang nỗ lực để trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistic tại Việt Nam.
Các đại biểu dự diễn đàn
Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong chuyển đổi số
Chia sẻ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi của doanh nghiệp, bà Lê Thị Ngọc Diệp - Giám đốc thương mại công ty SLP Việt Nam thông tin: thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp nhưng phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ. Nhiều doanh nghiệp chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng với vai trò là nhờ thầu phụ cho các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp.
“Khi nói đến chuyển đổi số, theo tôi một vướng mắc lớn nhất đó chính là sự kết nối, tích hợp của các hệ thống cung cấp dịch vụ logistics hiện nay” - bà Lê Thị Ngọc Diệp bày tỏ.
Khẳng định việc ứng dụng công nghệ 4.0 là một trong những công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh năng lực, hiệu quả nhưng thực tế đây là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp, chẳng hạn về chi phí làm sao để giảm chi phí nhưng vẫn tạo được hiệu quả, tạo ra giá trị cho logistics.
Bà Lê Thị Ngọc Diệp - Giám đốc thương mại công ty SLP Việt Nam.
“Theo tôi, hiện đại hóa trong hệ thống vận hành quản lý kho vận để tạo nên một hệ thống quản lý chuyên nghiệp chính là sự kết hợp không chỉ ở cơ sở hạ tầng hiện đại kết hợp ứng dụng công nghệ mà là sự kết hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ kho vận hiện đại, chuyên nghiệp để tạo nên những giá trị cho ngành logistics để logistics thích ứng, phát triển mạnh mẽ hơn”, bà Lê Thị Ngọc Diệp chia sẻ.
Thúc đẩy hình thành một số trung tâm nghiên cứu mạnh về logistics
Là đơn vị đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ông Vũ Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam khẳng định: với quy mô hoạt động lên đến hàng trăm ngàn đơn hàng mỗi ngày, chuyển đổi số, quản lý dựa trên công nghệ, tự động hoá, trí tuệ nhân tạo là yêu cầu bắt buộc ở Lazada. Thời gian qua, Lazada luôn áp dụng số hoá vào hoạt động logistics. “Từ 1-2 ngày chúng tôi có thể không cần sử dụng đến máy tính mà xử lý công việc, kiểm soát chất lượng, dịch vụ trên điện thoại” - ông Vũ Đức Thịnh nói.Ông Vũ Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam
Để chuyển đổi số thành công, chia sẻ kinh nghiệm từ Lazada, ông Vũ Đức Thịnh nhấn mạnh đến việc cần có quy trình chuẩn để mô phỏng trên môi trường số; ứng dụng công nghệ tự động hoá để xử lý số lượng đơn hàng lớn. Năm 2017, Lazada là một trong những đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ chia chọn tự động vào TP Hồ Chí Minh. Cuối tháng 11 này, Lazada đưa vào hoạt động Trung tâm chia chọn mới, ứng dụng công nghệ mới nhất.
Kết nối để thúc đẩy phát triển
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Công Bằng - Phó vụ trưởng vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển”. Theo ông Lê Công Bằng, hoạt động vận tải trong logistic chiếm 57% thời gian vừa qua, tại nhiều tỉnh, thành các cuộc hội thảo, tọa đàm cũng liên tục đề cập đến vấn đề, làm sao để phát triển hạ tầng, thu hút, phát triển logistics,… mang tính cạnh tranh.
“Tuy nhiên, theo tôi, thay vì định hướng mang tính cạnh tranh với nhau trong hoạt động, thu hút đầu tư về lĩnh vực logistics, các địa phương, các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau, tạo sự kết nối, đồng bộ để cùng phát triển”, ông Bằng chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Bằng - Phó Vụ trưởng vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải.
Ông Bằng cho rằng, tạo ra sự kết nối giữa các địa phương, các doanh nghiệp không chỉ tạo ra sự phát triển của ngành logistics, mà còn đem đến sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động, cũng như hạ tầng.
“Hoạt động logistic thì kết hợp với chuyển đổi số là vô cùng quan trọng, đây chính là phương thức hiện đại để kết nối giữa nhà sản xuất, người vận tải và người tiêu dùng, chưa kể là các nhà thương mại với nhau. Từ đó sẽ tạo ra môi trường pháp lý đầu tư minh bạch, môi trường hoạt động công bằng để việc luân chuyển vận chuyển hàng hóa ngày càng được hiện đại hóa”, ông Bằng bày tỏ.
Cũng tại Diễn đàn, ông Bằng chia sẻ mới đây, ngành giao thông vận tải đã xây dựng và công bố các quy hoạch chuyên ngành về đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhìn vào các quy hoạch này để tham khảo để để có định hướng, cũng như đưa các phương án hoạt động phù hợp để hoạt động của doanh nghiệp ngày càng phát triển.